Tông Thư

NGÀY CỦA CHÚA – DIES DOMINI

của

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

gửi

Các Vị Giám Mục, Giáo Sĩ và Tín Hữu thuộc Giáo Hội Công Giáo

về

Việc Giữ Ngày Của Chúa Thánh Hảo
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh:

 http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

Nội Dung

Nhập đề

Chương I
Ngày của Chúa – Dies Domini
Việc Cử Hành Công Cuộc của Đấng Hóa Công
“Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành” (Jn 1:3)
“Từ ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên trời đất” (Gen 1:1)
“Ngày Hưu Lễ”: Việc nghỉ ngơi vui vẻ của Đấng Hóa Công
“Thiên Chúa chúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày này” (Gen 2:3)
“Giữ thánh hảo” bằng “việc tưởng nhớ”
Từ Ngày Hưu Lễ đến Chúa Nhật

Chương II
Ngày của Đức Kitô – Dies Christi
Ngày của Chúa Phục Sinh và của Tặng Ân Thánh Linh
Lễ Phục Sinh hằng tuần
Ngày thứ nhất trong tuần
Càng khác biệt với Ngày Hưu Lễ
Ngày của việc tân tạo
Ngày thứ tám: hình ảnh của vĩnh hằng
Ngày của Chúa Kitô Ánh Sáng
Ngày của tặng ân Thần Linh
Ngày của đức tin
Một ngày bất khả châm chước!

Chương III
Ngày của Giáo Hội – Dies Ecclesiae
Cộng Đồng Thánh Thể: Tâm Điểm của Chúa Nhật
Sự hiện diện của Vị Chúa Phục Sinh
Cộng Đồng Thánh Thể
Thánh Thể Chúa Nhật
Ngày của Giáo Hội
Một dân lữ hành
Một ngày hy vọng
Bàn tiệc lời Chúa
Bàn tiệc Thánh Thể
Bữa tiệc Phục Sinh và quây quần huynh đệ
Từ Thánh Lễ tới “việc truyền giáo”
Việc bắt buộc giữ Chúa Nhật
Một cuộc hân hoan cử hành bằng ca hát
Một cử hành bao gồm tất cả mọi người
Những giây phút khác của Chúa Nhật Kitô Giáo
Các cộng đồng Chúa Nhật thiếu linh mục
Truyền thanh và truyền hình

Chương IV
Ngày của Con Người – Dies Hominis
Chúa Nhật: Ngày của Niềm Vui, Nghỉ Ngơi và Kết Đoàn
“Niềm vui trọn vẹn” của Chúa Kitô
Tầm mức trọn vẹn của Ngày Hưu Lễ
Ngày nghỉ ngơi
Một ngày kết đoàn

Chương V
Ngày của mọi ngày – Dies Dierum
Chúa Nhật: Ngày Lễ Nguyên Thủy Tỏ Hiện Ý Nghĩa của Thời Gian
Chúa Kitô là Alpha và Omega của thời gian
Chúa Nhật trong Phụng Niên

Tổng Kết

 

Dẫn Nhập (của người dịch)

Chúa Nhật trong Năm Thánh Thể

Theo ý hướng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về việc Ngài mở Năm Thánh Thể với mục đích là để chung Giáo Hội và riêng mỗi Kitô hữu làm sao có thể ý thức hơn về Mầu Nhiệm Thánh Thể và là một năm sống Phụng Vụ Thánh Thể, thoidiemmaria.net đã, đang và sẽ phổ biến những gì liên quan đến Thánh Thể và Phụng Vụ trong Năm Thánh Thể.

Thoidiemmaria đã phổ biến về Thánh Thể vào các ngày Thứ Năm trong Năm Thánh Thể từ ngày 4/11/2004, và những bài về Thánh Thể với Thánh Mẫu ngay từ khi khai mở Năm Thánh Thể, Thứ Bảy 16/10/2004. Từ Chúa Nhật 7/11/2004, thoidiemmaria sẽ bắt đầu với những bài về Phụng Vụ theo các văn kiện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đó là hai tông thư, tông thư về Hiến Chế Canh Tân Phụng Vụ được ngài ban bố ngày 12/12/2003, dịp kỷ niệm ban hành hiến chế này của Công Đồng Chung Vaticanô II, và tông thư Ngày Của Chúa, ban hành ngày 31/5/1998.

Trong Tông Thư về Năm Thánh Thể “Xin Chúa Ở Với Chúng Con” khoản số 23 và 29, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói rõ và nhấn mạnh đến Phụng Vụ Thánh Thể Chúa Nhật như sau:

• “Đặc biệt Tôi muốn là trong năm nay chúng ta phải hết sức cố gắng để làm sao cảm nghiệm được Chúa Nhật là một ngày của Chúa và là ngày của Giáo Hội. Tôi cảm thấy hoan hỉ khi mọi người suy nghĩ lại những lời Tôi nói trong Tông Thư Ngày Của Chúa Dies Domini. ‘Với Thánh Lễ Chúa Nhật, người Kitô hữu đặc biệt sống lại cảm nghiệm của các Vị Tông Đồ vào buổi tối Phục Sinh xưa, khi Chúa Giâsu Sống Lại hiện ra với các vị lúc các vị đang quay quần với nhau (x Jn 20:19). Theo một ý nghĩa nào đó, Dân Chúa ở mọi thời đã được hiện diện nơi nhóm nhân trung môn đệ nhỏ bé là những hoa trái đầu mùa của Giáo Hội ấy rồi’ (21). Trong năm hồng ân này, theo thừa tác vụ mục vụ của mình, các vị linh mục cần phải chú trọng hơn nữa đến Thánh Lễ Chúa Nhật như là một việc cử hành để qui tụ toàn thể cộng đồng giáo xứ lại, với sự tham dự của các nhóm hội, phong trào và đoàn thể khác nhau” (khoản số 23)

• “Chớ gì đối với hết mọi người Năm Thánh Thể là một cơ hội quí báu để ý thức hơn nữa cái kho tàng khôn sánh được Chúa Kitô ký thác cho Giáo Hội của Người ấy. Chớ gì Năm Thánh Thể kích thích việc cử hành Thánh Thể sống động và sốt sắng hơn nữa, mang lại một đời sống Kitô giáo được biến đổi trong yêu thương… Chỉ cần làm sao trong Năm này, ở tất cả mọi cộng đồng Kitô hữu, phục hồi được việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật cũng như việc gia tăng tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, là Năm ân sủng này hết sức thành đạt rồi vậy” (khoản số 29).

 

ĐTC GPII với phái đoàn phần tử và cố vấn của Ủy Ban Giáo Hoàng Đặc Trách Mỹ Châu Latinh về Ngày Của Chúa

Sáng ngày Thứ Sáu 21/1/2005, ĐTC GPII đã tiếp phái đoàn này, một phái đoàn tham dự đại hội thường niên của mình về đề tài: “Thánh Lễ Chúa Nhật, tâm điểm của đời sống Kitô giáo ở Mỹ Châu Latinh”.

ĐTC lấy làm vui mừng vì trong Năm Thánh Thể họ đã chọn suy tư về “những sáng kiến khác nhau để tái nhận thức và trọn vẹn ‘cảm nghiệm được Chúa Nhật là ngày của Chúa và là ngày của Giáo Hội’”, như được phác họa trong Tông Thư “Mane nobiscum Domine”.

“Việc tham dự Lễ Chúa Nhật không phải chỉ là một trách nhiệm quan trọng, như Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (số 1389) đã viết rất rõ ràng, nó đặc biệt còn là một nhu cầu sâu xa của mỗi một tín hữu nữa. Không thể nào cảm nghiệm đức tin mà lại không đều đặn tham dự Lễ Chúa Nhật, ở chỗ tham dự vào hy tế cứu chuộc, vào bữa tiệc Lời Chúa và Bánh Thánh Thể, tâm điểm của đời sống Kitô giáo”.

“Những nỗ lực mới” của các vị chủ chiên trong Giáo Hội là để “làm gia tăng nhận thức về tính cách trọng yếu của Chúa Nhật nơi đời sống giáo hội và xã hội của con người nam nữ ngày nay… Để đạt được mục đích này, cần phải tập trung nỗ lực vào việc giáo dục và dạy giáo lý cho tín hữu về Thánh Thể một cách tốt đẹp hơn và kỹ lưỡng hơn, cũng như làm sao để bảo đảm rằng việc cử hành này được thực hiện một cách xứng đáng và trang trọng, nhờ đó việc cử hành ấy làm sống động lòng tôn kính chân thực và tôn sùng đích thực trước tính cách cao cả của mầu nhiệm Thánh Thể”.

“Lễ Chúa Nhật cần phải được vị chủ tế sửa soạn một cách xứng đáng, bằng việc dọn mình bề trong là những gì được biệc lộ qua những ngôn từ và cử điệu của ngài, cũng giống như việc dọn bài giảng một cách thích đáng vậy”. Về việc sửa soạn Thánh Lễ Chúa Nhật này, ĐTC đề cập tới tầm mức quan trọng của việc chọn lựa và sửa soạn “những bài thánh ca, những biểu hiệu cùng những yếu tố khác làm phong phú phụng vụ, luôn làm sao xứng hợp với những qui chuẩn được ấn định, lợi dụng tất cả kho tàng thiêng liêng lẫn mục vụ của Sách Lễ Rôma và các chỉ dẫn của Thánh Bộ Phượng Tự và Bí Tích”.

ĐTC kết luận bằng việc xin các vị giám mục, với sự hợp tác của các linh mục, tu sĩ và giáo dân, hãy thực hiện “việc quyết tâm hết sức trong việc suy tư và đi sâu vào chiều kích thiết yếu nơi đời sống bí tích này của Giáo Hội”, và hoạt động “để làm bừng lên một lòng mến yêu hơn nữa đối với Mầu Nhiệm Thánh Thể trong giáo phận của mình”.

Đây không phải là việc dễ làm, bởi thế, nó đòi mọi người phải cộng tác: các vị linh mục và phó tế, thành phần tận hiến và giáo dân hiện diện trong giáo xứ hay thuộc về các hiệp hội hoặc phong trào của giáo hội. Hãy chấp nhận việc mọi người hợp tác, hãy liên kết nỗ lực và hãy hoạt động trong niềm hiệp thông!”

Vị chủ tịch của Ủy Ban Giáo Hoàng đặc trách Mỹ Châu Latinh bao giờ cũng là Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám Mục, vị hiện tại là ĐHY Giovanni Battista Re.